Ai đã một lần đến Angkor mà không khỏi kinh ngạc trước di sản hàng đầu thế giới về điêu khắc và kiến trúc. Nhưng Siêm Reap không chỉ có Angkor mà còn có Phnom Kulen và Kbal Spean kỳ bí. Được phát hiện vào năm 1968, núi Kulen trở thành thánh địa hành hương của người Khmer, còn Kbal Spean là dòng sông thần ban phước và gột rửa tội lỗi.
Với độ cao 300m, cách Siêm Reap khoảng 50 km về hướng đông bắc, núi Kulen được vua Jayavarman II chọn làm kinh đô đầu tiên của đế chế Khmer vào năm 802, mở đầu cho kỷ nguyên Angkor chói lọi. Các công trình thời kỳ này được kiến trúc theo phong cách Hindu.
Truyền thuyết kể rằng thuyền buôn của Trung Quốc từ xa xưa đã giao thương với xứ Angkor. Một vị thuyền trưởng có phép thuật, lúc trở về thường cho thuyền bay lên trời mà không ai biết. Một lần người đầu bếp tình cờ phát hiện. Ông la lên và thuyền rơi xuống đất, vỡ tan với nhiều trái vải tung tóe.
Sau đó cả rừng cây vải mọc lên, nên dãy núi này mang tên Kulen (có nghĩa là trái vải), còn những mảnh thuyền vỡ văng khắp nơi hóa thành những khối đá vôi kỳ dị bị nước bào mòn; dấu tích sự có mặt của biển hàng triệu năm trước.
Đường lên núi Kulen rất hẹp - độc đạo và gập ghềnh đất đá. Từ sáng sớm đến 12g dành cho xe lên, sau 12g đến chiều dành cho xe xuống. Muốn lên đỉnh núi phải đi xe hai cầu. Núi Kulen có 37 chùa cổ mà tiêu biểu hơn cả là chùa Paang Thom, còn gọi là chùa Phật lớn.
Cả ngôi chùa nằm trên một khối đá khổng lồ cao gần 20m, rộng hàng chục mét. Phần trên của khối đá được tạc thành tượng Phật nằm dài 9,7m, cao 3,3m. Bên cạnh là dấu bàn chân trái của thần in sâu trên đá (dấu chân phải của thần nằm trên đỉnh núi Bakheng gần Angkor Thom).
Cả hai dấu chân rộng 0,8m, dài gần 2m và sâu 0,4m. Tương truyền đây là dấu chân của vị thần giúp xây Angkor. Từ chùa Phật lớn, khách thường len lỏi giữa rừng nguyên sinh nhiệt đới; qua những vùng đá nhấp nhô, lắt lẻo, gập ghềnh để khám phá những huyền thoại về vị vua khai sinh ra nền văn minh Angkor rực rỡ. Đây là chỗ vua ngồi thiền còn in rõ dấu, kia là điểm vua chế biến thuốc trường sinh, nọ là giếng tiên nơi vua luyện phép thuật...
Vào dịp lễ hay những đêm trăng sáng, khách nườm nượp đổ về mở hội múa hát hoặc chia thành từng tốp nhỏ đến các tháp để khấn nguyện. Nhiều người hành hương kể rằng: “Đồ đạc để ở đây nhưng qua đêm lại chạy sang nơi khác. Cả người cũng vậy. Tối nằm chỗ nọ nhưng sáng ra ở chỗ kia”. Họ gọi vùng linh thiêng này là “Đất chạy”, là “Chổi quét”, là “Đất của trời”.
Dòng sông linga
Núi Kulen là cội nguồn của dòng sông Siêm Reap chảy qua thành phố rồi đổ ra biển Hồ. Nước trong như pha lê, mát lạnh như da thịt các tiên nữ Apsara hạ thế, len lỏi một cách nghịch ngợm giữa rừng cây ngạo nghễ.
Vào năm 1054, vua Hashavarman III đã cho đắp đập ngăn sông và thực hiện công trình độc nhất vô nhị: biến lòng sông bằng đá trên một chiều dài hơn 4.200m, rộng 20 - 30m thành một tuyệt tác điêu khắc đồ sộ. Hàng ngàn ngẫu tượng linga và yoni lớn nhỏ đủ kích thước, hàng ngàn tượng thần và cả sử thi Khơme được tạc vào đá dưới dòng sông. Đây là công trình mất nhiều thời gian nhất, kéo dài hơn 100 năm. Có lẽ do mỗi năm chỉ có thể thi công mấy tháng vào mùa nắng (?). Các kiến trúc và điêu khắc ở đây không chỉ theo phong cách Hindu mà bắt đầu hòa lẫn với dấu ấn Phật giáo.
Khách hành hương tới Kbal Spean thành kính mà lặng lẽ. Đàn ông ngồi trên những linga như đang nhập thiền để cầu xin sức mạnh. Số khác thì nằm trên những yoni một cách thành khẩn để dòng sông thần mát lạnh xóa bỏ mọi lỗi lầm. Còn phụ nữ thì ngồi trên bờ lâm râm cầu nguyện cộng hưởng với chồng con hoặc người thân dưới nước.
Đoạn sông này có nhiều thác đẹp. Len theo những đường mòn lúc gấp khúc dựng đứng, lúc cheo leo uốn lượn, khách hành hương có thể chọn cho mình những thác nhỏ để tắm. Từ người già đến em bé ai cũng đưa lưng cho dòng sông ve vuốt để rũ bỏ hết mệt nhọc và quan trọng hơn là đón nhận những may mắn. Trái với sự im lặng thần bí khi cầu nguyện, họ tắm thác trong ồn ào, tận hưởng hạnh phúc sau mấy giờ hành hương vất vả.
Khách có thể dùng bữa ăn dân dã trong những nhà sàn lợp toàn lá trung quân. Có đủ món để chọn. Đi mệt, tắm mát và đói nên ăn rất ngon miệng. Xong bữa, đu đưa trên võng cạnh dòng sông thần. Gió mơn man, thác róc rách, cây thì thào dỗ khách vào giấc mộng...
Hình như nước sông Kbal Spean cũng có hồn, chỉ len lỏi vỗ về chứ không phá hủy những kỳ tích do con người sáng tạo. Mùa mưa nước chỉ qua đầu gối. Mùa hè nước chỉ tới mắt cá chân. Qua làn nước lung linh, các hình tượng vô tri như đang bơi, thì thầm kể chuyện xa xưa...